Bật mí về các công nghệ mà WP Căn bản đang sử dụng.
Dạo gần đây có khá nhiều bạn inbox, gửi email hỏi tôi về việc WP Căn bản đang sử dụng hosting của nhà cung cấp nào, chạy web server nào, dùng những plugin gì… tại sao lại có tốc độ load nhanh đến như vậy? Vì không có thời gian để trả lời cụ thể cho từng bạn nên hôm nay tôi quyết định viết bài này để “bật mí” cho các bạn về những công nghệ mà tôi đang sử dụng trên blog WP Căn bản. Nếu bạn đang có mối quan tâm tương tự, hãy dành một chút thời gian để lướt qua bài viết nhé.
Một số kết quả test tốc độ load của WP Căn bản (chỉ mang tính chất tham khảo):
Các công nghệ và dịch vụ mà WP Căn bản đang sử dụng
Hơn một nửa số công nghệ và dịch vụ mà tôi đang sử dụng là sản phẩm trả phí. Tuy nhiên, chúng đều có mức giá khá phải chăng và bất cứ ai cũng có thể sở hữu:
Dịch vụ WordPress Hosting (1.599.000 VNĐ/năm)
WP Căn bản đang sử dụng dịch vụ WordPress Hosting do chính chúng tôi cung cấp, có server đặt tại Atlanta (Mỹ), push dữ liệu qua CloudFlare CDN.
- Cấu hình: 1 vCore CPU, 1GB RAM, 4GB SSD dung lượng lưu trữ, 7680 IOPS, 30MB/s I/O, 20 Entry Processes, 100 Number of Processes, băng thông không giới hạn.
- Hệ điều hành (OS): CloudLinux
- Web Server: LiteSpeed Enterprise
- Phiên bản PHP: 8.1
- Cache engine: LiteSpeed Cache (LSCache) + OpCode Cache + CloudFlare CDN
Sở dĩ chúng tôi chọn server đặt tại Singapore và Atlanta (Mỹ) bởi vì:
- Hạ tầng kỹ thuật ở Singapore và Atlanta (Mỹ) phát triển hơn, server hoạt động ổn định hơn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho dịch vụ tối ưu website WordPress miễn phí trong khi giá thuê lại rẻ hơn ở Việt Nam.
- Lựa chọn server tại Singapore hoặc Atlanta (kết hợp với CloudFlare CDN miễn phí) là giải pháp cân bằng tốc độ load của website tại Việt Nam và thị trường quốc tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng của các sự cố đứt cáp quang biển.
- Các server đặt tại Mỹ và Singapore (đặc biệt là Mỹ) có tốc độ Google index dữ liệu rất nhanh. Ngoài ra, chúng cũng nằm gần các server của WordPress.org nên rất thuận tiện trong việc cài đặt hoặc cập nhật WordPress, theme và plugin.
Tham khảo thêm:
- Nên chọn host Việt Nam hay host nước ngoài cho WordPress?
- Cần lưu ý những gì khi mua hosting dành cho WordPress?
Dịch vụ tên miền ($8.03/năm)
Tất cả tên miền của chúng tôi hiện tại đang được quản lý ở CloudFlare. Trước đây, thông thường tôi sẽ đăng ký tên miền ở NameCheap, sau đó transfer nó sang CloudFlare khi đủ 60 ngày (theo quy định của ICANN). Tuy nhiên, hiện tại CloudFlare đã hỗ trợ đăng ký tên miền mới nên việc này là không cần thiết nữa.
Giá gia hạn tên miền ở CloudFlare khá rẻ, chỉ $8.03/năm cho tên miền .com và $9.95/năm cho tên miền .net. Không những thế, các bạn còn được miễn phí tính năng ẩn thông tin chủ sở hữu của tên miền.
Tham khảo thêm:
Dịch vụ DNS và CDN (miễn phí)
WP Căn bản hiện đang sử dụng dịch vụ CloudFlare DNS được cung cấp miễn phí bởi CloudFlare để quản lý DNS cho tên miền. Ưu điểm của dịch vụ này là cực kỳ ổn định, tốc độ phản hồi nhanh, cập nhật IP nhanh chóng. Ngoài ra, các bạn còn có thể sử dụng CDN của nó để tăng tốc độ load cho website trong một số trường hợp, giảm tải cho server và phòng chống tấn công DDoS ở mức độ vừa phải. Chúng tôi khuyên dùng CloudFlare CDN và hỗ trợ cài đặt miễn phí cho các website của khách hàng có hosting đặt tại Atlanta (Mỹ). Riêng đối với server Singapore, các bạn chỉ nên kích hoạt CloudFlare CDN trong trường hợp cần dùng tới SSL miễn phí của nó (bởi vì cài CDN sẽ làm web load chậm hơn một chút tại Việt Nam).
Tham khảo thêm:
- Tại sao bạn nên sử dụng CloudFlare làm máy chủ DNS?
- Có nên sử dụng dịch vụ CloudFlare cho website hay không?
Nếu website của bạn có lượng truy cập lớn, bạn nên tham khảo CloudFlare APO vì nó sẽ giúp tăng tốc độ load cũng như khả năng chịu tải của website lên một tầm cao mới nhờ khả năng cache toàn bộ dữ liệu rất “bá đạo” của mình.
SSL ($4.59/năm hoặc miễn phí)
WP Căn bản đang sử dụng PositiveSSL cho cả domain chính lẫn các subdomain. PositiveSSL tương thích với gần như toàn bộ các trình duyệt web và hệ điều hành. Giá của nó cũng rất rẻ. Các bạn có thể mua PositiveSSL tại SSLs.com với giá chỉ từ $4.59 cho 1 năm hoặc $12.95 cho 5 năm ($2.59 mỗi năm).
Nếu muốn tiết kiệm chi phí, các bạn có thể sử dụng CloudFlare Universal SSL. CloudFlare Universal SSL miễn phí và hoàn toàn tương thích với các trình duyệt web + hệ điều hành phổ biến hiện nay. Kể từ 1/10/2021, chúng tôi khuyên dùng CloudFlare SSL thay cho Let’s Encrypt bởi vì Let’s Encrypt đã ngừng hỗ trợ trình duyệt web và hệ điều hành cũ. Điều kiện duy nhất để có thể sử dụng CloudFlare SSL cho website của bạn đó là phải đồng thời kích hoạt CloudFlare CDN.
Trên thực tế, do WP Căn bản đang bật CloudFlare CDN nên PositiveSSL chỉ có tác dụng mã hóa kết nối từ host tới server của CloudFlare, còn kết nối từ server của CloudFlare đến trình duyệt web của người dùng vẫn do CloudFlare Universal SSL đảm nhận. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, các bạn hoàn toàn có thể chỉ sử dụng SSL của CloudFlare.
Tham khảo thêm:
- Cài đặt CloudFlare SSL miễn phí cho website WordPress
- Hướng dẫn cài SSL miễn phí với AutoSSL trên cPanel
Dịch vụ thông báo bài viết mới qua email (miễn phí)
Chúng tôi hiện đang sử dụng dịch vụ miễn phí (gói Basic) của follow.it để gửi thông báo bài viết mới qua email cho những người đăng ký theo dõi blog. Đây là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời để thay thế cho FeedBurner vốn đã bị Google khai tử. Gói Basic cho phép các bạn gửi tối đa 5 thông báo (tương đương với 5 bài viết) đến tất cả subscriber (không giới hạn số lượng) trong vòng một tháng. Nếu muốn gửi nhiều thông báo hơn, các bạn sẽ phải nâng cấp lên các gói trả phí (số tiền thay đổi tùy theo lượng subscriber).
Dịch vụ gửi mail qua SMTP (miễn phí)
Đã có một thời gian dài trước đây, WP Căn bản sử dụng SMTP của Gmail để gửi email thông báo cho khách truy cập. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi đã chuyển sang Mandrill, rồi đến SendGrid để cá nhân và chuyên nghiệp hóa với email tên miền riêng (no-reply@wpcanban.com
). SendGrid từng có gói dịch vụ miễn phí với 12.000 email/tháng, tuy nhiên, giờ đây chúng không còn cho phép đăng ký mới nữa. Thay vào đó, các bạn sẽ được gửi tối đa 100 email miễn phí mỗi ngày khi đăng ký gói Free.
Tham khảo thêm:
Dịch vụ email với tên miền riêng ($6/tháng)
Email admin@wpcanban.com
mà chúng tôi đang sử dụng để liên hệ với khách hàng được cung cấp bởi Google Workspace. Ưu điểm khi sử dụng Gmail của Google thì chắc các bạn cũng biết rồi: gửi mail cho các Gmail khác ít khi bị vào spam hơn. Nếu bạn đang tìm kiếm một dịch vụ tạo email với tên miền riêng hoàn toàn miễn phí thì có thể tham khảo Zoho hoặc Yandex. Không nên tạo email ngay trên host vì khả năng email bị vào spam là rất cao, hơn nữa chúng còn chiếm dụng cả dung lượng lưu trữ của host.
Tham khảo thêm:
- Tạo email với tên miền riêng miễn phí trên Zoho Mail
- Tạo email với tên miền riêng trên hosting sử dụng cPanel
Framework và child theme (599.000 – 799.000 VNĐ)
Cái này không cần nói chắc nhiều bạn ở đây cũng đã biết, WP Căn bản đang sử dụng theme Paradise trên nền tảng Genesis Framework. Đây là 1 child theme được thiết kế và tối ưu bởi chính WP Căn bản, phỏng theo thiết kế của child theme Magazine Pro. Theme Paradise sở hữu một bộ mã nguồn siêu nhẹ, được tích hợp nhiều tính năng hữu ích giúp tối ưu tốc độ load, bảo mật và trải nghiệm người dùng. Nó đặc biệt phù hợp với blog cá nhân, tạp chí điện tử và các website bán hàng online dạng đơn giản. Demo chi tiết của theme, các bạn có thể xem tại đây.
Tham khảo thêm:
- Tại sao bạn nên chọn Genesis Framework và Paradise?
- Các tính năng của theme Paradise tích hợp trong Customizer
Các plugin WP Căn bản đang sử dụng
WP Căn bản hiện đang cài đặt và sử dụng tổng cộng 28 plugin trên blog:
- Advanced Database Cleaner Pro: plugin hỗ trợ dọn dẹp và tối ưu database. Tham khảo thêm: Hướng dẫn sử dụng plugin Advanced Database Cleaner
- AffiliateWP – External Referral Links: một tiện ích mở rộng của plugin AffiliateWP, sử dụng để kết nối với hệ thống tiếp thị liên kết trên WP Shop
- Akismet: plugin chống spam bình luận. Tham khảo thêm: Làm thế nào để có được một API Key miễn phí cho Akismet?
- Beaver Builder Plugin (Pro): phiên bản nâng cấp (trả phí) của plugin Beaver Buider, được sử dụng để xây dựng các trang giới thiệu dịch vụ của WP Căn bản
- PowerPack for Beaver Builder: tiện ích mở rộng (trả phí) cho plugin Beaver Builder
- Comment Approved: thông báo cho độc giả khi bình luận của họ được phê duyệt và hiển thị. Tham khảo thêm: Thông báo cho người dùng khi bình luận được xét duyệt
- ShortPixel Image Optimizer: nén ảnh, tạo định dạng ảnh WebP, giảm kích thước tập tin hình ảnh nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng. Tham khảo thêm: ShortPixel – plugin nén ảnh giá rẻ tốt nhất dành cho WordPress
- Defender Security: plugin bảo mật và quét mã độc dành cho WordPress
- ReplyMe: tự động gửi mail thông báo khi bình luận của bạn hoặc của khách truy cập được một người khác trả lời. Tham khảo thêm: Gửi email thông báo khi có bình luận mới trên blog WordPress
- TablePress: plugin hỗ trợ tạo bảng trong WordPress
- TablePress Extension: Responsive Tables: một tiện ích mở rộng, hỗ trợ tạo bảng responsive cho plugin TablePress. Tham khảo thêm: Tạo bảng responsive cho WordPress với plugin TablePress
- Yoast SEO: plugin tối ưu tìm kiếm (SEO) cho blog và hỗ trợ viết bài chuẩn SEO. Tham khảo thêm: Hướng dẫn cài đặt plugin Yoast SEO tối ưu nhất
- Yoast SEO Premium: tiện ích mở rộng giúp nâng cấp tính năng cho plugin Yoast SEO. Tham khảo thêm: Yoast SEO Premium có gì vượt trội so với bản miễn phí?
- LiteSpeed Cache: tạo cache, tối ưu HTML, CSS, JS, hình ảnh, dọn dẹp database… nhằm tăng tốc độ load cho blog. Plugin này chỉ sử dụng được trên các hosting sử dụng web server LiteSpeed. Tham khảo thêm: Hướng dẫn cài LiteSpeed Cache cho WordPress một cách đơn giản
- WP Mail SMTP: gửi mail thông qua SMTP của SendGrid và nhiều nhà cung cấp khác.
- WP 404 Auto Redirect to Similar Post: tự động redirect link 404 về trang chủ hoặc các trang liên quan/ bài viết tương tự. Tham khảo thêm: Redirect trang bị lỗi 404 về trang chủ trong WordPress
- Perfmatters: một plugin đa dụng, với các tính năng như cache Google Analytics, trì hoãn tải các file JS, tải có điều kiện các file JS và CSS, loại bỏ các thành phần không cần thiết…
- WPCB Social Share Buttons: tạo nút chia sẻ bài viết lên mạng xã hội (siêu nhẹ và không sử dụng jQuery và JavaScript). Tham khảo thêm: Tạo nút chia sẻ mạng xã hội siêu nhẹ cho WordPress
- kk Star Ratings: tạo biểu tượng đánh giá 5 sao cho bài viết. Tham khảo thêm: Hướng dẫn cài đặt và sử dụng plugin kk Star Ratings
- Unbloater: loại bỏ một số tính năng không cần thiết của WordPress. Tham khảo thêm: Tinh giản WordPress giúp website của bạn nhẹ hơn
- GN Publisher: tạo định dạng RSS Feed tương thích với Google News Publisher. Tham khảo thêm: Khắc phục lỗi định dạng RSS khi đăng ký Google News
- WP External Links: tự động thêm các thẻ
nofollow
,noopener
vànoreferrer
vào external link - Hide SEO Bloat: loại bỏ các tính năng không cần thiết của plugin Yoast SEO. Tham khảo thêm: Tinh giản Yoast SEO giúp website của bạn nhẹ hơn
- WP Extended Search: cải thiện kết quả tìm kiếm mặc định của WordPress một cách hiệu quả và chính xác. Tham khảo thêm: Nâng cấp tính năng tìm kiếm mặc định của WordPress
- Genesis eNews Extended: hiển thị khung đăng ký nhận thông báo bài viết mới qua email, tích hợp với dịch vụ của follow.it.
- Genesis Simple Hooks: dùng để chèn code vào bất cứ vị trí nào trên giao diện của Genesis Framework và Genesis child theme.
- SyntaxHighlighter Evolved: dùng để hiển thị code snippets trong các bài viết.
- Fixed TOC: tạo mục lục cho bài viết và trang.
Trên đây là danh sách một số công nghệ, dịch vụ cũng như plugin mà WP Căn bản đang sử dụng. Hy vọng nó sẽ giúp bạn lựa chọn được cho website của mình những công nghệ phù hợp nhất để đạt hiệu suất hoạt động cao nhất.
Bạn đang sử dụng những công nghệ và plugin nào trên website WordPress của mình? Đừng quên chia sẻ nó với chúng tôi trong khung bình luận bên dưới.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy theo dõi blog của tôi để thường xuyên cập nhật những bài viết hay nhất, mới nhất nhé. Cảm ơn rất nhiều. :)
Mình cũng bắt chiếc Hiếu! Viết một bài “Các công nghệ mà tiengtrungquoc.net đang sử dụng”. Hầu hết là dịch vụ miễn phí.
Khách truy cập site của bạn người ta chỉ quan tâm đến tiếng Trung Quốc thôi chứ đâu quan tâm mấy thứ khác. :))
Chào. Bạn sử dụng Cloudflare miễn phí or trả phí vậy ạ? Dùng nó có hay bị lỗi 52x không ạ?
Mình dùng miễn phí thôi bạn nhé. Người khác thì mình không rõ nhưng riêng site của mình thì chẳng thấy lỗi 52x bao giờ (trừ lúc host bị down thật). Có thể là do server của bên mình có Railgun + đặt gần trung tâm dữ liệu của CloudFlare. Cũng có thể do hiện tại CloudFlare đã tốt hơn trước nhiều rồi. :)
“Tuy nhiên, do WP Căn bản sử dụng cả dịch vụ CloudFlare CDN nên PositiveSSL chỉ dùng để mã hóa kết nối từ host đến server của CloudFlare mà thôi. Còn việc mã hóa dữ liệu từ server của CloudFlare đến trình duyệt web của người dùng vẫn do CloudFlare Universal SSL đảm nhiệm.”
Cái này dùng ntn liệu có làm user truy cập chậm hơn không nhỉ ?
Mã hóa cả dữ liệu từ host đến server của CloudFlare thì sẽ khiến tốc độ truy cập web chậm hơn một chút nhưng sẽ an toàn hơn. Bạn tham khảo bài viết “Giảm TTFB khi sử dụng CloudFlare CDN” để biết thêm chi tiết nhé.
Hi, Bạn ơi.. Dùng iTheme Security tốt hơn hay Defender Security tốt hơn?. Dùng cả 2 plugin cùng lúc được hơm? Vui lòng cho mình biết ý kiến tốt. Cám ơn.
Cá nhân mình thích Defender Security hơn. Bạn chỉ nên dùng 1 plugin cho 1 chức năng nào đó thôi nhé, đừng dùng nhiều plugin cùng lúc.
CHo mình hỏi, mình thấy link author của Hiếu là: https://wpcanban.com/author/kaiderella
Vậy pác có dùng username admin là: “kaiderella” ko? Trường này có cần đổi cho khác với username admin ko pác?
Có bạn nhé. Nhưng mình sử dụng plugin để giới hạn số lần đăng nhập thất bại (sai 3 lần sẽ khóa IP vĩnh viễn) nên cũng không sợ bị hack. :P
Hi. Sử dụng Defender security mà dùng với Cloudflare sẽ chặn sai login không phải hiển thị ra IP gốc à bạn ey. Test thử tớ thấy vậy à…
Cái đó không ảnh hưởng gì đâu bạn. Chống Brute Force Attack thì chỉ cần block truy cập tức thì là được mà. Còn một thời gian sau họ truy cập vào với IP khác và tiếp tục vi phạm thì lại block tiếp. Tự động mà. :P
Cho mình hỏi nếu dùng Google Workspace như của bạn thì có thể tạo được bao nhiêu địa chỉ email nhỉ?
Bạn muốn tạo bao nhiêu người dùng cũng được. Tuy nhiên càng nhiều người dùng thì tốn càng nhiều tiền thôi. Giá niêm yết tính trên mỗi người dùng mà: https://workspace.google.com/intl/vi/pricing.html
Chào bạn: bạn cho mình hỏi: mình muốn làm web mà khách truy cập chủ yếu đến từ Nhật Bản (khoảng 100k visit/tháng) thì nên mua tên miền và hosting nào thì phù hợp ạ? Do mình ko chuyên về web!
Nếu bạn cần host chạy website WordPress thì có thể tham khảo dịch vụ WordPress Hosting của bên mình nhé. Hoặc bạn nên tìm các nhà cung cấp có máy chủ đặt tại Hong Kong, Nhật Bản và Mỹ để có tốc độ truy cập tốt nhất. Tên miền thì bạn có thể mua ở NameCheap sau đó transfer sang CloudFlare theo cách mà bên mình đang làm. Giá gia hạn tên miền tại CloudFlare khá rẻ, chất lượng thì khỏi bàn. Điều đáng tiếc nhất là họ chưa hỗ trợ đăng ký tên miền mới mà thôi.
Cảm ơn bạn rất nhiều. Nhưng mình tìm hiểu trên mạng rồi, nhưng bạn có thể khuyên mình dùng hosting nước ngoài nào ổn nhất đc ko ạ, làm sao web load nhanh với khách hàng Nhật. Giá khoảng 5-10tr/ năm là ok. Cảm ơn ạ!
Bạn có rành về kỹ thuật không? Nếu rành về kỹ thuật thì nên mua VPS mà dùng. Có thể lựa chọn Vultr, Digital Ocean… Nếu không rành mấy thì có thể chọn CloudWays, CyberHosting. Còn nếu “gà mờ” thì nên mua dịch vụ WordPress Hosting của bên mình nhé. :P
Phát hiện ra Hiếu không dùng Disable WooCommerce Bloat như đã cài trên website của mình.
Site của mình có dùng plugin WooCommerce đâu mà cài Disable WooCommerce Bloat. :P
Anh có sử dụng WPROCKET ko ạ
Không bạn nhé. Mình dùng plugin LiteSpeed Cache.
nhớ khi xưa bác thạch phạm cũng từ 1 cái blog chia sẽ những thủ thuật về wordpress nay phát triển mạnh thành bên cung cấp host azdizi em cũng đang xài bên đó 1 năm tầm 1tr8
Bác có gói nào để em add khoảng 10 domain vào và chi phí xem xem ko bác . website em lượt truy cập cũng ít à toàn web truyện cười vs 3 web dịch vụ của ông anh gửi ké
Bên mình có gói CP Medium cũng giá 1tr8/năm (đã giảm vĩnh viễn 600k) bạn nhé. Tất cả host của bên mình đều không giới hạn số lượng addon domain, sub domain… Thông tin chi tiết bạn có thể tham khảo ở trang dịch vụ WordPress Hosting.
oke để mình tham khảo bạn chắc đầu năm hết hạn rồi mình tính tiếp dịch bệnh nên phải tiết kiệm dc gì thì tiết kiệm
Ok bạn. :)