Đánh giá ShortPixel – plugin nén ảnh giá rẻ tốt nhất dành cho WordPress.
Hình ảnh thường là thành phần chiếm dung lượng lớn nhất trong page-size của một trang, đặc biệt là những trang sử dụng nhiều ảnh. Do đó, nếu hình ảnh được tối ưu không tốt, chúng hoàn toàn có thể khiến tốc độ load trang của bạn chậm đi rất nhiều. Trong những bài viết trước đây, tôi đã từng giới thiệu với bạn một số dịch vụ và plugin miễn phí để tối ưu hình ảnh cho WordPress. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Những dịch vụ miễn phí thường chỉ hỗ trợ nén lossless nên hiệu quả không cao.
Tham khảo thêm:
- Hướng dẫn nén ảnh bằng plugin reSmush.it Image Optimizer
- Hướng dẫn nén ảnh bằng plugin Robin Image Optimizer
Đây chính là lúc chúng ta nên nghĩ đến việc chi tiền cho các dịch vụ nén ảnh chất lượng cao, giá thành hợp lý. Và ShortPixel là một trong số những ứng cử viên sáng giá nhất. Tại sao tôi lại chọn ShortPixel? Hãy cùng dành ít phút để tìm hiểu ngay sau đây.
Ưu và nhược điểm của ShortPixel
Nhìn chung, plugin ShortPixel có một số ưu và nhược điểm như sau:
Ưu điểm
- Sử dụng server riêng của ShortPixel để nén ảnh nên không tiêu tốn tài nguyên (CPU, RAM) của host.
- Hỗ trợ nén ảnh lossless, lossy và glossy (nằm giữa lossy và lossless). Hỗ trợ chuyển đổi qua lại giữa các hình thức này.
- Khả năng giảm dung lượng của ảnh lên đến 80% (lossy) mà hầu như không làm thay đổi chất lượng (mắt thường không phân biệt được).
- Hỗ trợ backup hình ảnh gốc để restore trong trường hợp cần thiết.
- Hỗ trợ chuyển đổi định dạng CMYK sang RGB giúp hiển thị tốt trên mọi kích thước màn hình.
- Cho phép loại bỏ các thẻ EXIF (dữ liệu GPS, ngày tháng, thiết bị sử dụng để chụp hình…).
- Hỗ trợ resize hình ảnh xuống một kích thước nhất định nếu chúng quá lớn.
- Hỗ trợ tạo phiên bản WebP và AVIF của hình ảnh để giảm dung lượng, tăng tốc độ load.
- Cho phép nén ảnh trong các thư mục tùy chỉnh, ngoài thư mục /uploads/ (ví dụ thư mục /themes/ hay /plugins/).
- Có chương trình Tell a Friend giúp bạn kiếm thêm 100 ảnh miễn phí mỗi tháng khi giới thiệu 1 người khác sử dụng dịch vụ của ShortPixel. Không giới hạn số người được giới thiệu.
- Giá rẻ hơn nhiều so với các dịch vụ đối thủ.
- Hỗ trợ nén ảnh PNG, JPG, GIF và cả file PDF.
Nhược điểm
- Thỉnh thoảng xảy ra tình trạng bị lỗi khi nén ảnh. Bạn sẽ nhận được thông báo ảnh không tồn tại trên host trong khi click vào link ảnh vẫn thấy hiển thị bình thường.
- Bạn cần phải trả tiền nếu muốn nén nhiều ảnh.
- Tốc độ nén lossy không nhanh (do sử dụng server của ShortPixel chứ không phải sử dụng tài nguyên host của bạn).
- Ảnh chỉ được nén khi bạn truy cập vào Media => Library (thư viện ảnh của WordPress) hoặc vào Media => Bulk ShortPixel. Không tự động nén hình ảnh trong nền bằng cron job được.
- Hiện tại ShortPixel đã tính phí cả việc tạo định dạng WebP lẫn AVIF. Mỗi ảnh WebP/ AVIF tương ứng với 1 credit. Do đó, nếu tạo định dạng WebP/ AVIF, bạn sẽ tiêu tốn số credit gấp đôi so với thông thường.
Hướng dẫn cài đặt và sử dụng plugin ShortPixel
1. Đầu tiên, các bạn cần phải truy cập vào đây và đăng ký cho mình một tài khoản ShortPixel. Lưu ý, chỉ khi đăng ký theo link trên thì bạn mới được nén miễn phí 200 ảnh/tháng. Nếu đăng ký trực tiếp trên website của ShortPixel, bạn chỉ được miễn phí 100 ảnh/tháng mà thôi.
Nhập địa chỉ email của bạn, tick vào mục I’ve read the ToS and the Privacy Policy and I agree to use the ShortPixel services và click vào nút Sign Up.
2. Ngay lập tức, một email sẽ tự động được gửi vào hộp thư của bạn kèm theo API Key và mật khẩu đăng nhập tài khoản ShortPixel.
3. Cài đặt và kích hoạt plugin ShortPixel Image Optimizer (download).
4. Truy cập vào Settings => ShortPixel. Trong tab General, nhập API Key được cung cấp ở bước 2, sau đó click vào nút Validate.
5. Tiếp tục thiết lập các mục còn lại trong tab General.
Trong đó:
- Compression type: lựa chọn hình thức nén là lossy (nén ở mức cao nhất), glossy (nén ở mức vừa phải) hoặc lossless (nén không giảm chất lượng). Nếu site của bạn không cần các hình ảnh với độ phân giải lớn, độ sắc nét cao (trang về chụp ảnh, tranh ảnh nghệ thuật) thì nên chọn lossy để dung lượng ảnh nhỏ hơn.
- Also include thumbnails: nén cả ảnh thumbnail. Lưu ý, mỗi ảnh thumbnail được tính là 1 ảnh riêng nên nếu bạn có nhiều ảnh thumbnail thì số lượng ảnh cần nén là rất lớn => tốn nhiều chi phí hơn.
- Image backup: tạo bản backup cho ảnh gốc để restore trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến cho dung lượng lưu trữ trên host tăng lên nhiều. Do đó, các bạn nên cân nhắc việc có cần thiết phải backup ảnh gốc hay không.
- Remove EXIF: loại bỏ các thẻ EXIF.
- Resize large images: tự động resize ảnh lớn về một kích thước ảnh cụ thể do bạn thiết lập.
6. Chuyển qua tab Advanced.
Trong đó:
- Additional media folders: nén các thư mục khác, ngoài thư mục /uploads/.
- Convert PNG images to JPEG: tự động chuyển đổi ảnh PNG thành ảnh JPG/JPEG để giảm dung lượng lưu trữ (tuy nhiên chất lượng ảnh cũng sẽ bị giảm theo và không hỗ trợ ảnh có nền trong suốt).
- CMYK to RGB conversion: chuyển đổi định dạng màu sắc từ CMYK sang RGB.
- Next Generation Images: tạo định dạng WebP hoặc AVIF cho hình ảnh.
- Deliver the next generation versions of the images in the front-end: load ảnh WebP/ AVIF trên giao diện website.
- Optimize Retina images: nén ảnh retina (@2x).
- Optimize other thumbs: nén các ảnh thumbnail khác.
- Optimize PDFs: nén file PDF.
- Exclude patterns: không tối ưu các hình ảnh có tên, đường dẫn hoặc kích thước do bạn quy định.
- HTTP AUTH credentials: điền vào nếu bạn sử dụng mật khẩu để chặn người khác truy cập vào site.
- Optimize media on upload: tự động nén ảnh khi upload.
- Process in front-end: cho phép nén ảnh do người dùng khác upload trên giao diện website.
- Exclude thumbnail sizes: loại trừ các kích thước ảnh thumbnails mà bạn không muốn nén.
Click vào nút Save Changes để lưu lại hoặc Save and Go to Bulk Process để lưu và tiến hành nén toàn bộ ảnh có trên site của bạn.
7. Nếu website của bạn đang sử dụng CloudFlare CDN, đừng quên khai báo thông tin trong tab CloudFlare API. Việc này sẽ giúp tự động xóa cache trên CloudFlare khi ảnh được nén xong.
8. Tab Statistics chỉ thể hiện các thông số và bạn không cần phải thiết lập bất cứ một mục nào cả.
9. Truy cập vào Media => Library và chờ quá trình nén ảnh tự động diễn ra hoặc truy cập Media => Bulk ShortPixel và click vào nút bắt đầu. Quá trình diễn ra lâu hay chậm là hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng ảnh và kết nối mạng giữa hosting với máy chủ của ShortPixel.
Lưu ý: không tắt tab hoặc tắt trình duyệt trong khi nén ảnh. Nếu bạn tắt, quá trình sẽ tạm dừng cho đến khi bạn mở trở lại.
Sau khi nén ảnh bằng plugin ShortPixel, page-size của WP Căn bản nhẹ bớt thêm hàng trăm KB/trang, khiến cho nó vốn đã nhanh nay càng nhanh hơn. Thật tuyệt vời phải không nào? Bạn còn chần chừ gì nữa mà không trải nghiệm ngay?
Bạn biết giải pháp tối ưu hình ảnh khác có chất lượng tốt và chi phí rẻ hơn? Hãy giới thiệu nó với chúng tôi bằng cách sử dụng khung bình luận bên dưới.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy theo dõi blog của tôi để thường xuyên cập nhật những bài viết hay nhất, mới nhất nhé. Cảm ơn rất nhiều. :)
Sao website của em ko thể nào validate được API key của Shortpixel, điền key vào ấn Validate là dính lỗi 502 Bad Gateway nginx. Bác biết cách xử lý ko ạ :( đã liên hệ bên shortpixel nhiều lần mà, họ cũng ko rõ nguyên nhân ạ
Host của bạn chạy web server NginX à? Thử đổi host khác xem.
đã xem nhiều bài viết của wp và cảm thấy hữu ích cho những người thiếu kiến thức, cái mình đang muốn nhận dc giúp đỡ của admin là về plugin nén ảnh shortpixel, hiện mình click xem link ảnh của wpcanban thì có đuôi .webp , vậy cho mình và quý đọc giả đang thắc mắc vậy làm sao để hình ảnh chuyển sang được đuôi webp. cảm ơn
Mình tạo ảnh WebP bằng plugin ShortPixel đó bạn.
website của e: abogovillas.com có cần mua gói trả tiền không ạ. hay chỉ cần mua gói miễn phí vậy ạ
Nếu nén dưới 100 ảnh mỗi tháng thì dùng miễn phí cũng được bạn ạ. Còn nếu nhiều hơn thì chắc chắn phải mua rồi.
Đối với ảnh bình thường thì không nói, chứ ảnh liên quan đến ui gradients, cần rỏ ràng về màu sắc thì thằng shortpixel này tệ lắm, làm lệch màu nhiều, còn nén thì vẫn nén tốt.
Mình thử nhiều chế độ rồi mà vẫn thế.
Nhưng được cái nó rẻ hơn so với imagify, thanh toán theo số lượng lớn được, còn thằng imagify thì theo tháng hơn chát
Hiếu ơi, 100 ảnh mỗi tháng là mỗi tháng dc nén free 100 ảnh à bạn :)))
Đúng rồi bạn nhé. Nhưng số ảnh này bị tính cho cả ảnh con (crop) + WebP (nếu bạn bật tạo ảnh WebP) nên hết rất nhanh.
Trong lựa chọn nén có phần loại trừ các ảnh Thumbnail “Exclude thumbnail sizes” để giảm credits chi phí và nó liệt kê ra 1 danh sách kích thước ảnh Thumbnail để lựa chọn.
Anh muốn hỏi Hiếu cách kiểm tra xem web của mình hiện tại sử dụng những loại kích thước Thumbnail nào.
Cái này chỉ có cách check thủ công thôi anh. Vào một bài viết, trang, chuyên mục, thẻ… đại diện => click chuột phải vào từng hình ảnh => chọn Inspect (trình duyệt Google Chrome) => kiểm tra xem kích thước của hình ảnh là bao nhiêu (tab Elements) => từ đó xác định được các kích thước thumbnail mà website thực sự đang sử dụng.
Cảm ơn Hiếu nhé!
Khí nén 1 ảnh tải lên mà thấy chất lượng bị suy giảm thấy rõ, anh tiến hành chạy cái Restore backup của ảnh đó để không nén nữa và restore bình thường nhưng xem lại bài viết thì ảnh đó vẫn giảm chất lượng như kiểu nó không Restore backup vậy.
Thử kiểm tra dung lượng ảnh đó so với ảnh ban đầu thì đúng là ảnh nén chứ không phải ảnh gốc.
1. Anh nén Lossless, Lossy hay Glossy vậy? Để ảnh ít giảm chất lượng nhất thì anh nên thiết lập nén Lossless nhé.
2. Sau khi restore, anh đã xóa cache LiteSpeed, cache trình duyệt và cache CDN (nếu có) chưa nhỉ?
A để nén Lossy, đa phần ảnh đạt yêu cầu nhưng các ảnh có chữ sẽ dễ nhận ra ở phần chữ bị nhòe còn hình ảnh không thì khó nhận ra hơn.
Anh đã kiểm tra lại, lúc chiều xóa Cache các thứ thì không thấy thay đổi, tối nay kiểm tra lại thì thấy nó đã trả về ảnh đúng chất lượng gốc và dung lượng gốc.
Cảm ơn em nhé !
Hiếu cho anh hỏi anh để lưu trữ file gốc nhưng bắt đầu thấy Database phình ra nhiều.
Đang cân nhắc không để nó lưu vậy nữa. Vậy nếu mình không lưu file gốc này thì gặp sự cố có sao không.
Vì anh chưa hiểu cơ chế nén và hiển thị ảnh nén trên website là gì. Nó vẫn lưu file gốc trên Hosting của mình đúng không.
Nếu web của Shortpixel gặp sự cố, web mình lại không lưu file gốc thì các ảnh trên web vẫn hiển thị hay sẽ bị lỗi. Nếu lỗi như vậy mình Backup lại Web thì vẫn Okie đúng không ?
Anh không lưu trữ file gốc => không thể restore ảnh về trạng thái trước khi nén được. Hình ảnh gốc được lưu ngay trên host của anh chứ không phải của ShortPixel nên nếu server của họ lỗi thì cũng không ảnh hưởng gì đến hình ảnh cả. Nhược điểm duy nhất của việc lưu trữ hình ảnh gốc là tốn dung lượng và có thể làm phình database (nó lưu vị trí của file gốc trên host).
Vậy nếu mình đã thấy các ảnh sau khi nén OK chấp nhận được thì hoàn toàn có thể để không lưu trữ file gốc hoặc tải thư mục chứa file gốc để giảm Database đúng không em.
Của anh hiện tại Database đã tới 31Gb.
Anh có nhầm lẫn giữa mã nguồn (file, folder) và database không vậy? Database 31GB thì host nào chịu nổi? :P Database chỉ là nơi lưu các thông tin thiết lập của WordPress, theme, plugin, bài viết, trang, người dùng… Nó khác với file mã nguồn. Nếu anh thấy ảnh nén chất lượng ổn thì có thể xóa file gốc đi để giảm dung lượng lưu trữ nhé (Vào Settings => ShortPixel => Tools => click nút Remove Backups. Như site của em thì ngay từ đầu em đã thiết lập xóa luôn file gốc rồi.
Thanks em nhé. A kiểm tra Cpanel của Hosting thì dung lượng lưu trữ đang là 31Gb/35Gb.
Ảnh thì nhiều nhưng chắc phải kiểm tra lại vì chức năng Restore cũng khá hữu dụng vì nhiều ảnh có kèm chữ, chú thích mũi tên khi nén dễ làm nhoè các phần này nên phải backup lại ảnh gốc.
Anh để nén Lossless ấy. Đừng nén Lossy. Lossy và Glossy đều nén giảm chất lượng hết.
Anh muốn Remove Backup tuy nhiên có yêu cầu Type confirm to delete all ShortPixel backups.
Vậy phải làm thế nào vậy Hiếu.
Anh cảm ơn!
Anh nhập chữ “confirm” để xác nhận nhé.
A làm được rồi. Thanks em