Hướng dẫn xóa các table (bảng) không sử dụng trong database của website WordPress.
Trong một bài viết cách đây rất lâu (năm 2014), tôi đã từng hướng dẫn cho các bạn cách xóa các bản ghi không sử dụng trong WordPress database (chính xác là trong table options) rồi phải không nào? Tuy nhiên, nhiều plugin không những tạo thêm bản ghi (record) trong table options mà còn tự tạo thêm các table (bảng) cho riêng chúng nữa. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách làm thế nào để loại bỏ những table này một cách đơn giản trong trường hợp plugin sở hữu đã bị xóa trước đó.
Tham khảo thêm:
- Dọn dẹp WordPress database với plugin WP-Sweep
- Advanced Database Cleaner – plugin dọn dẹp database tốt nhất
Tại sao phải xóa các table không cần thiết trong database?
Theo mặc định, WordPress chỉ có 12 table, bao gồm:
- wp_options
- wp_users
- wp_links
- wp_commentmeta
- wp_term_relationships
- wp_postmeta
- wp_posts
- wp_term_taxonomy
- wp_usermeta
- wp_terms
- wp_termsmeta
- wp_comments
Tuy nhiên, các table mới sẽ tự động được tạo ra khi bạn cài thêm plugin. Theo thời gian, số lượng table sẽ tăng lên. Kể cả khi bạn đã xóa bỏ plugin không còn dùng đến theo đúng quy trình thì các table do chúng tạo vẫn tiếp tục tồn tại. Điều này khiến cho database trở nên cồng kềnh và website của bạn sẽ load chậm hơn. Để đảm bảo database sạch sẽ, gọn gàng, các bạn nên thường xuyên dọn dẹp để xóa bỏ các table không còn sử dụng nữa.
Xóa các table không sử dụng với Plugins Garbage Collector
1. Đầu tiên, các bạn cần phải cài đặt và kích hoạt một plugin có tên là Plugins Garbage Collector.
2. Truy cập Tools => Database Cleanup => chọn mục Search none-WP tables sau đó click vào nút Scan Database.
3. Chờ một lát cho quá trình quét kết thúc. Thời gian nhanh hay chậm hoàn toàn phù thuộc vào dung lượng của database cũng như cấu hình hosting của bạn. Kết quả mà bạn nhận được sẽ trông tương tự như hình bên dưới.
Trong đó:
- Màu xanh lá: là các table đang được sử dụng bởi các plugin (xem tên plugin ở cột Plugin Name).
- Màu đỏ: là các table không còn được sử dụng nữa.
Plugins Garbage Collector xác định khá chính xác những table không còn sử dụng nữa. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các bạn nên copy tên table (bỏ phần tiền tố) và tìm kiếm trên Google xem nó liên quan tới plugin nào trước khi xóa.
Tick chọn những table có màu đỏ (trong cột Table Name) sau đó click vào nút Delete Tables để xóa chúng.
4. Sau khi xóa, click vào nút Scan Database một lần nữa. Nếu bạn nhận được thông báo trông như hình bên dưới thì có nghĩa là database đã sạch bóng các table không còn sử dụng nữa.
Thật đơn giản phải không nào? Chúc các bạn thành công!
Một số plugin khác
Ngoài Plugins Garbage Collector, các bạn có thể sử dụng plugin Advanced Database Cleaner để làm điều này. Đây có thể xem là plugin hỗ trợ dọn dẹp và tối ưu database WordPress toàn diện nhất hiện nay.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn sử dụng plugin Advanced Database Cleaner
Nếu bạn thích bài viết này, hãy theo dõi blog của tôi để thường xuyên cập nhật những bài viết hay nhất, mới nhất nhé. Cảm ơn rất nhiều. :)
rất bổ ích admin ơi, mình tập tành cài thử để dọn rác cho trang web của mình
Plugin này hay đấy, Hiếu ạ. Rất phù hợp với những người hay thích trải nghiệm plugin như mình.
Mình thấy nó xác định khá chuẩn nhưng vẫn nên backup cẩn thận trước khi xóa nhé.
Ok. Mình sẽ ghi nhớ điều này.
Trước không biết website mình như thế nào chứ dùng plugin backup lúc nào cũng tăng dung lượng lên mấy gb, vào xem file sql có khi vượt quá 250mb, không biết dọn đẹp theo cách của bạn có giảm dung lượng file xuống không nữa
Bạn nên vào phpMyAdmin, mở file database ra để biết table nào trong database chiếm nhiều dung lượng nhé. Nếu table đó không còn sử dụng nữa thì xóa đi (có thể drop trực tiếp trong phpMyAdmin hoặc sử dụng plugin để xóa). Tham khảo bài viết “Danh sách table của các plugin trong database WordPress” để biết thêm chi tiết.
ok bạn mình sẽ test, vì thường download file spl về trên 126mb hay gì đó là không thể upload lên hosting, dùng mấy cái plugin backup thì k biết sao thấy càng ngày file web càng phình to ra, làm web load chậm, đã vậy backup lại file có khi vượt quá dung lượng cho phép, nếu k rành thì chịu thôi. Thank bạn đã hướng dẫn
Nếu file .sql có dung lượng quá lớn thì bạn có thể sử dụng phần mềm 7zip để nén nó thành file gzip (.gz) hoặc file zip (.zip) để có dung lượng nhỏ hơn trước khi upload nhé. :)