Tại sao bạn nên sử dụng CloudFlare DNS cho tên miền của mình?
WP Căn bản và nhiều website khác trên thế giới hiện đang sử dụng CloudFlare làm máy chủ DNS, hay hiểu một cách đơn giản hơn là đang sử dụng Name Server (NS) của CloudFlare thay vì Name Server của nhà cung cấp hosting hoặc nhà cung cấp tên miền. Trong những bài viết trước đây, tôi đã từng hướng dẫn các bạn cách sử dụng CloudFlare CDN một cách hiệu quả để tăng tốc độ load và tiết kiệm tài nguyên cho host. Tuy nhiên, do đặc thù là dịch vụ miễn phí (phần lớn người dùng đang sử dụng dịch vụ này với gói miễn phí) nên CloudFlare CDN cũng có một số hạn chế nhất định, chẳng hạn như thỉnh thoảng bị lỗi không truy cập được website (52x) hay lỗi máy chủ phản hồi chậm.
Tham khảo thêm:
Đừng vội chán nản. Nếu không muốn sử dụng dịch vụ CDN miễn phí của CloudFlare để tránh bị lỗi truy cập, các bạn vẫn có thể dùng nó để làm máy chủ DNS cho tên miền.
Khác nhau giữa CloudFlare CDN và DNS
- CloudFlare DNS: chỉ sử dụng CloudFlare để làm hệ thống quản trị DNS của tên miền, các tính năng khác của CloudFlare sẽ bị tắt.
- CloudFlare CDN: sử dụng đầy đủ các tính năng của CloudFlare, bao gồm cả quản trị DNS, cache và phân phối dữ liệu, chống DDoS, chống hack, tối ưu tốc độ load… cho website.
Tại sao bạn nên sử dụng CloudFlare DNS?
- Hoàn toàn miễn phí.
- Tính ổn định cao, tốc độ phản hồi nhanh nhờ sử dụng công nghệ Anycast DNS.
- Cập nhật IP rất nhanh, gần như ngay lập tức, đặc biệt có lợi trong trường hợp bạn chuyển host, tránh được việc gián đoạn truy cập.
- Hoàn toàn không sợ bị lỗi 52x hay lỗi máy chủ phản hồi chậm như khi bật tính năng CDN của CloudFlare.
- Có thể kích hoạt và sử dụng lại toàn bộ các tính năng của CloudFlare CDN một cách nhanh chóng, trong trường hợp website của bạn bị tấn công DDoS hoặc muốn tiết kiệm băng thông.
Vì những lợi ích kể trên, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng CloudFlare DNS trong mọi trường hợp, thậm chí transfer tên miền quốc tế về CloudFlare nếu có thể.
Còn đối với CloudFlare CDN, các bạn nên kích hoạt trong các trường hợp sau:
- Bạn sử dụng hosting có server đặt ở cách xa người dùng. Ví dụ đối với các khách hàng đang sử dụng server Atlanta (Mỹ) của dịch vụ WordPress Hosting do WP Căn bản cung cấp.
- Website của bạn bị tấn công DDoS hoặc có lượng truy cập cao và bạn muốn tiết kiệm băng thông của host.
- Bạn muốn ẩn địa chỉ IP thật của hosting vì lý do bảo mật.
- Bạn muốn sử dụng Universal SSL miễn phí của CloudFlare.
Sử dụng CloudFlare làm máy chủ DNS đơn thuần
Rất đơn giản, nếu đang sử dụng CloudFlare CDN cho website của bạn, hãy truy cập vào trang quản lý của CloudFlare => chọn đúng tên miền => click vào tab DNS. Tại đây, hãy click vào các đám mây màu cam (Proxied) trong cột Proxy Status, chuyển nó sang màu xám (DNS Only) là được.
Trong trường hợp muốn sử dụng tính năng CDN hay chống DDoS của CloudFlare, các bạn chỉ cần tái kích hoạt các mục này (chuyển sang đám mây màu cam).
Nếu website có cài plugin Really Simple SSL và sau khi tắt CloudFlare CDN xuất hiện lỗi 404 thì các bạn xử lý như sau:
- Vào Settings => Permalinks => click nút Save Changes để tạo lại cấu trúc đường dẫn tĩnh.
- Vào Settings => SSL => Settings, click nút Save để tạo lại code redirect HTTP sang HTTPS.
Còn nếu bạn chưa từng sử dụng CloudFlare, hãy tham khảo bài viết “Cài đặt CloudFlare cho website một cách đơn giản” để biết cách cài đặt nhé. Tôi nghĩ nó khá là đơn giản và chỉ mất ít phút để hoàn thành.
Bạn đang sử dụng CloudFlare DNS hay CloudFlare CDN cho website của mình? Theo bạn, có nên sử dụng CloudFlare DNS hay không? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn thông qua khung bình luận bên dưới.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy theo dõi blog của tôi để thường xuyên cập nhật những bài viết hay nhất, mới nhất nhé. Cảm ơn rất nhiều. :)
Chào anh, Em đang dùng host ftech mà sắp hết hạn nên đang tính chuyển sang host của nước ngoài (e định chuyển qua bluehost hoặc stablehost); bác chia sẻ kinh nghiệm giúp em xem có nên sử dụng host của 1 trong 2 đvi này k, nếu không thì nên sd cái nào hả bác
Nếu bạn muốn mua host nước ngoài thì có thể tham khảo dịch vụ WordPress Hosting của bên mình nhé. Bên mình có server tại Singapore và Atlanta (Mỹ). :)
Dùng cũng được, mà không dùng cũng được.
Rất bổ ích. Mình đang dùng Hawk host reseller mà nó chậm quá chắc hôm nào phải DNS CloudFlare thử xem tốc độ có được cải thiện lên không. Cám ơn bạn.
Nếu chậm do server thì không ăn thua đâu. Mình từng dùng Reseller Hosting của HawkHost và StableHost rồi. Thường xuyên bị high load CPU nên tốc độ load khá chậm.
Admin cho em hỏi là mình sử dụng 1 Hosting cho 2 Website có ảnh hưởng đến SEO và thứ hạng từ khóa của Web trên Google Search ko ạ. Cám ơn admin.
Thông thường là không bạn nhé. Nếu ảnh hưởng thì chỉ có thể do 2 khả năng. 1 là bạn xây dựng site vệ tinh và trao đổi liên kết chéo (kiểu PBN). 2 là chạy nhiều site => phải chia sẻ tài nguyên cho nhau => web load chậm => ảnh hưởng đến SEO.
Nếu tắt đám may màu vàng đi thì nó có load nhanh như như lúc chưa tắt ko vậy bác Hiếu. Em dùng cloudflare hay bị lỗi 522 quá. Cảm ơn bác nhé.
Tắt đám mây màu cam => tắt CDN => CloudFlare không còn cache file tĩnh để tăng tốc độ load cho website của bạn nữa.
Nếu không tăng tóc web dc thì, cài cái này có tác dụng gì không vây bác?
Tác dụng gì thì mình đã ghi rõ trong bài viết rồi còn gì? Bạn chưa đọc bài viết hay sao mà hỏi thế? :P
Anh ơi cho em hỏi em dùng CloudFlare bị http 522. Em fix xong rồi nhưng em index bài viết mới lên google thì không được. Bây giờ em phải làm như thế nào thì mới dc vậy anh? Em cảm ơn anh nhiều ạ!! <3
Bạn fix lỗi 522 của CloudFlare bằng cách gì vậy?
cám ơn Admin, mình thử cập nhật cho blog của minh xem sao, chứ mùa dịch web load chậm quá
Nếu vậy thì bạn phải cài CloudFlare CDN nhé. Xem hướng dẫn trong bài viết “Cài đặt CloudFlare cho website một cách đơn giản“.
Không biết là dùng DNS CloudFlare thì lúc đứt cáp biển thì mạng có ổn định không, tốc độ truy cập website bị ảnh hương không?
Dùng DNS thì không cần lo bạn nhé.
Tình trạng này của web mình gặp phải ở một vài thời điểm trong ngày. có thể nói ngày 24h thì mất 2h bị load chậm. Lúc bình thường thì web load vèo vèo, nên mình mới cảm thấy khó hiểu.
Lúc bị chậm bạn vào cPanel => click mục Server Information (sidebar) => xem chỉ số Server Load là bao nhiêu. Nếu 1 con số (trước dấu thập phân) thì ok chứ từ 2 con số trở lên là có dấu hiệu server load chậm.
Mình vào xem chỉ số Server Load lúc thì 54.20, lúc thì 48.20… Nhưng vẫn hiện dấu tích xanh. :D. Không biết thông số như vậy thì có phải do hosting rồi ko nhỉ
Như thế là siêu chậm rồi nhé. Server bên mình chỉ load 1 con số thôi. :))
Chán thật sự. Ham rẻ gia hạn gói 1 năm luôn mới đau chứ. Có cách nào fix cái này ngoài việc chuyển hosting ko bạn :D
Câu trả lời tất nhiên là không rồi. :P
Mình dùng hosting hawkhost rồi dns lên cloudflare nhưng có thời điểm truy cập từ google vào trang thì thấy tốc độ phản hồi rất chậm. Có lúc bắt đầu click vào web từ google phải đợi 4-6s nó mới xuất hiện trang. Ko biết tình trạng này là do hót hay do cloudlare nhỉ?.
Cái này có thể do nhiều nguyên nhân bạn nhé. Tham khảo bài viết “Những nguyên nhân có thể khiến website load chậm” để biết thêm chi tiết.
Mới chuyển dns sang bên này thấy ổn. Mà lâu lâu bị gì load lâu kinh khủng
Mạng cứ đứt kiểu này chắc phải cân nhắc lại :(
DNS thì liên quan gì đến mạng đứt mà phải cân nhắc hả bạn? :))
À. Ý e là dùng cả cdn luôn chứ ko phải mỗi dns. Xem thử thế nào 🙄
Nếu là host VN thì đợt này thạm thời dùng DNS thôi, đừng bật CDN.